Cấy ghép tế bào gốc tạo máu điều trị ung thư

Cấy ghép tế bào gốc tạo máu là quá trình phục hồi tế bào gốc tạo máu (blood-forming stem cells) cho các bệnh nhân ung thư đã trải qua hóa trị liệu liều cao do liệu pháp này không những tiêu diệt tế bào ung thư mà còn tiêu diệt luôn cả tế bào gốc trong tủy xương.

1. Các phương thức cấy ghép tế bào gốc

Trong kỹ thuật cấy ghép tế bào gốc, các tế bào gốc tạo máu khỏe mạnh được truyền vào cơ thể bệnh nhân thông qua ven tĩnh mạch. Một khi vào trong cơ thể, các tế bào gốc này sẽ di chuyển về tủy xương và thay thế các tế bào gốc đã bị phá hủy do hóa - xạ trị. Việc cây ghép có thể được diễn ra theo 3 cách:

  • Cấy ghép tự thân: Tế bào gốc được phân lập từ tủy xương hoặc máu ngoại vi của chính bệnh nhân.
  • Cấy ghép dị thân (cấy ghép chéo): Tế bào gốc được lấy từ một người hiến tặng bất kỳ, có thể cùng huyết thống hoặc không, miễn là đảm bảo tương thích với người được cấy ghép.
  • Cấy ghép đồng nguyên: Tế bào gốc được lấy từ anh/chị em sinh đôi của bệnh nhân.

2. Cách tế bào gốc chống lại ung thư

Việc cấy ghép tế bào gốc chỉ có tác dụng trực tiếp đối với một số loại ung thư như bệnh đa u tủy hay bạch cầu thông qua hiệu ứng mảnh ghép - khối u (graft vesus tumor). Hiệu ứng này xảy ra khi có cấy ghép dị thân trên cơ thể người bệnh, các tế bào bạch cầu trong mảnh ghép sẽ tấn công bất cứ tế bào ung thư nào còn sót lại trong cơ thể bệnh nhân sau khi điều trị liều cao. Đối với các loại ung thư khác, cấy ghép tế bào gốc không có tác dụng điều trị ung thư một cách trực tiếp, song lại đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe của người bệnh một cách hiệu quả và bền vững.

3. Ai nên sử dụng liệu pháp cấy ghép tế bào gốc?

Liệu pháp cấy ghép tế bào gốc đang được sử dụng cho các bệnh bạch cầu, u lympho, đa u tủy hay u nguyên bào thần kinh.

4. Cấy ghép tế bào gốc mất bao lâu?

Quá trình cấy ghép tế bào gốc có thể mất vài tháng để hoàn thành. Quá trình này bắt đầu bằng việc điều trị hóa trị, xạ trị liều cao hoặc kết hợp cả hai để tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể. Bệnh nhân sẽ có một vài ngày nghỉ ngơi trước khi tiếp nhận cấy ghép tế bào gốc. Tế bào gốc sẽ được truyền vào cơ thể thông qua ven tĩnh mạch, quá trình này có thể kéo dài từ ​​1 đến 5 giờ.

 

Sau khi đi vào mạch máu, các tế bào gốc sẽ di chuyển về tủy xương, “làm tổ” tại đây để bắt đầu quá trình sản sinh ra các tế bào máu mới. Khi đó, bệnh nhân sẽ bắt đầu giai đoạn phục hồi. Thời gian phục hồi hoàn toàn có thể từ vài tháng đối với cấy ghép tự thân và 1 đến 2 năm đối với cấy ghép dị sinh hoặc cộng sinh do hệ miễn dịch cần thời gian dài hơn để khôi phục.

5. Cấy ghép tế bào gốc ảnh hưởng thế nào tới cơ thể?

Cấy ghép tế bào gốc có các ảnh hưởng khác nhau đến người bệnh, tùy theo một số điều kiện xác định:

  • Loại cấy ghép;
  • Liều lượng điều trị trước khi cấy ghép và mức phản ứng của cơ thể;
  • Loại ung thư;
  • Mức độ tiến triển của bệnh ung thư;
  • Tình trạng sức khỏe trước khi cấy ghép.

Tuy nhiên, trong trường hợp cấy ghép dị sinh có thể phát triển một vấn đề nghiêm trọng gọi là bệnh ghép vật chủ (host vesus graft disease). Bệnh ghép so với vật chủ có thể xảy ra khi các tế bào bạch cầu từ người hiến tặng (mô ghép) nhận định các tế bào trong cơ thể người bệnh (vật chủ) là ngoại lai và tấn công chúng. Vấn đề này có thể gây ra tổn thương cho da, gan, ruột và nhiều cơ quan khác.

 

Nó có thể xảy ra vài tuần sau khi cấy ghép hoặc muộn hơn nhiều. Bệnh mảnh ghép so với vật chủ có thể được điều trị bằng steroid hoặc các loại thuốc khác làm ức chế hệ thống miễn dịch của bạn, hoặc có thể được phòng tránh hiệu quả nếu mẫu ghép đạt được độ tương thích kháng nguyên bạch cầu người (HLA) cao.

6. Nguồn tế bào gốc

Nguồn tế bào gốc đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị cho người bệnh. Là có nguồn tế bào gốc tự thân hoặc tế bào gốc của người cùng huyết thống để giảm thiểu khả năng mẫu ghép bị đào thải và gây ra các tác dụng phụ bất lợi cho cơ thể người bệnh. Do đó, các cá nhân nên trang bị kiến thức và chuẩn bị bảo hiểm sinh học cho tương lai bằng cách lưu trữ tế bào gốc tại các ngân hàng sinh học.

 

Tế bào gốc có thể được thu từ các nguồn an toàn và hiệu quả như máu cuống rốn, mô dây rốn. Tế bào gốc này là các tế bào gốc non trẻ, khỏe mạnh, chưa chịu ảnh hưởng của môi trường và tuổi tác. Nếu được lưu trữ, bảo quản đúng cách, chúng sẽ là công cụ đắc lực trong điều trị các căn bệnh hiểm nghèo cho chính người lưu mẫu hoặc người thân trong gia đình khi cần đến. Đặc biệt, cùng với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của công nghệ y học tái tạo, danh mục các bệnh có thể được điều trị bằng cấy ghép tế bào gốc hay các ứng dụng khác của tế bào gốc cũng sẽ ngày càng mở rộng.

 

Nguồn

Bài viết bởi TS. Ngô Anh Tiến – Ngân hàng Mô Vinmec