Ngày 14/8 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu do biến chủng mới Clade Ib. Tình hình dịch tễ và TP Hồ Chí Minh ứng phó ra sao?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do Virus đậu mùa khỉ gây ra. Virus này là một loại Orthopoxvirus gây bệnh Mpox (đậu mùa khỉ) có nguồn gốc từ loài khỉ. Đây là bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền từ động vật sang người. Hiện nay virus này chủ yếu lây truyền từ người sang người.
Bệnh có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể, tổn thương trên da hoặc trên niêm mạc bên trong các bề mặt. Chẳng hạn như trong miệng hoặc cổ họng, các giọt bắn từ đường hô hấp do ho hắt . Ngoài ra bệnh còn lây qua đường tình dục, hôn hoặc tiếp xúc với các dụng cụ nhiễm bệnh.
Thời gian ủ bệnh dao động từ 5 đến 21 ngày. Giai đoạn bệnh ban đầu kéo dài từ 1 đến 3 ngày. Triệu chứng điển hình gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó sẽ đến giai đoạn phát ban da, các ban này có thể kéo dài 2-4 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục hoặc quanh vùng hậu môn, phát triển thành mụn nước.
Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhưng ở một số người khác các triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Trẻ em, người mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ bị biến chứng nặng khi mắc Mpox. Các biến chứng bao gồm viêm phổi, gây mất thị lực, đau hoặc khó nuốt, nôn mửa và tiêu chảy gây mất nước nghiêm trọng. Ngoài ra có thể gây nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu với phản ứng trên toàn cơ thể), viêm não, viêm cơ tim, thậm chí dẫn đến tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong năm 2023 đến nay ở khu vực phía Nam ghi nhận 199 ca Mpox, trong đó có 8 ca tử vong. Trong đó TP Hồ Chí Minh hiện là địa phương ghi nhận số ca mắc (156 ca) và tử vong (6 ca) cao nhất tại khu vực phía Nam. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Thành phố có 49 ca đậu mùa khỉ, không có ca tử vong và chưa xuất hiện biến chủng mới. Căn bệnh này vẫn chủ yếu lây nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội chiều nay (22/8/2024), ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, thành phố tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống dịch bệnh, thực hiện giải trình tự gen một số mẫu bệnh phẩm để giám sát sự biến đổi của Virus gây bệnh đậu mùa khỉ (Mpox).
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, “Trong các ca bệnh ở TP HCM mà HCDC thống kê được thì 100% ca bệnh là nam giới, có 84% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).” - ông Tâm nói.
Ông Tâm khẳng định hiện nay, dịch bệnh Mpox trên địa bàn thành phố vẫn đang được kiểm soát thông qua các hoạt động giám sát chủ động tại cửa khẩu và cộng đồng, chưa ghi nhận thay đổi về dịch tễ học.
Ngành y tế thành phố vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống dịch, thực hiện giải trình tự gen một số mẫu bệnh phẩm để giám sát sự biến đổi của Virus gây bệnh. Bên cạnh đó khuyến khích người dân che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.
Tổng hợp thông tin
Bộ phận Y khoa RV - OPV
Nguồn tham khảo
1. Mpox (monkeypox) Mpox (monkeypox) (who.int)
2. WHO Director-General declares mpox outbreak a public health emergency of international concern WHO Director-General declares mpox outbreak a public health emergency of international concern
3. WHO công bố bệnh đậu mùa khỉ ‘khẩn cấp toàn cầu’, TPHCM ứng phó ra sao? https://vietnamnet.vn/who-cong-bo-benh-dau-mua-khi-khan-cap-toan-cau-tphcm-ung-pho-ra-sao-2314638.html
Bài viết liên quan