Bệnh viêm ruột (IBD) và hội chứng ruột kích thích (IBS) đều xảy ra ở ruột. Triệu chứng nhìn chung có sự giống nhau, có thể gây đau bụng và tiêu chảy. Tuy nhiên, IBD và IBS lại có sự khác nhau ở nguyên nhân mắc, phương pháp chẩn đoán và điều trị.
Bệnh viêm ruột (Inflammatory bowel disease - IBD) là bệnh gây viêm nhiễm đường tiêu hóa, bắt đầu từ miệng kéo dài qua dạ dày và ruột đến hậu môn. IBD là một tình trạng mãn tính và hiện không có phương pháp chữa trị.
Bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa. Tuy nhiên, loại IBD này thường ảnh hưởng nhất đến ruột non và phần đầu của ruột già. Bệnh Crohn có thể gây ra các mảng viêm làm tổn thương nhiều lớp trên thành đường tiêu hóa.
Viêm loét đại tràng (UC) chủ yếu gây viêm ở đại tràng. Không giống như bệnh Crohn, nó gây ra các vùng viêm liên tục chỉ ảnh hưởng đến lớp ngoài cùng của thành đại tràng. Bệnh Crohn thường nghiêm trọng hơn so với viêm loét đại tràng nhưng ít phổ biến hơn.
Nghiên cứu chưa xác nhận được nguyên nhân gây ra bệnh viêm ruột (IBD), nó vẫn còn là bí ẩn. Tuy nhiên thường xảy ra do bệnh nhân có vấn đề với hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch đường ruột là chìa khóa cho cơ chế bệnh sinh của bệnh viêm ruột (IBD).
IBD có thể di truyền trong gia đình. Một số yếu tố nguy cơ trong lối sống, chẳng hạn như hút thuốc, cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển IBD. Bệnh Crohn phổ biến hơn một chút ở nữ so với nam, nhưng viêm loét đại tràng dường như xuất hiện như nhau ở cả hai giới.
Các triệu chứng phổ biến của IBD bao gồm:
- Tiêu chảy.
- Phân có máu và chảy máu trực tràng.
- Cảm giác buồn đi đại tiện đột ngột.
- Đau bụng và co thắt.
- Cảm giác chưa đi đại tiện hoàn toàn.
- Giảm cân ngoài ý muốn.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Táo bón.
- Cảm thấy mệt mỏi.
- Mất cảm giác thèm ăn và buồn nôn.
- Sốt.
- Đau khớp.
- Đổ mồ hôi ban đêm.
- Kinh nguyệt không đều ở phụ nữ.
Các triệu chứng có thể khác ở mỗi người, phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Triệu chứng cũng thường xuất hiện theo chu kỳ. Bệnh nhân sẽ trải qua đợt bùng phát lúc này các triệu chứng đột ngột trở nên nghiêm trọng hơn. Cũng có các giai đoạn thuyên giảm, lúc này triệu chứng thưa hơn hoặc không có triệu chứng.
Bác sĩ thường bắt đầu bằng việc hỏi tiền sử bệnh và thực hiện khám lâm sàng ban đầu. Sau đó, họ sẽ yêu cầu thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm sau để hỗ trợ chẩn đoán:
- Nội soi dạ dày: Nội soi là phương pháp chính để chẩn đoán bệnh Crohn. Quy trình này bao gồm việc đưa một ống nội soi, là một ống mỏng có đèn và camera, qua cổ họng của người bệnh vào đường tiêu hóa.
- Nội soi đại tràng: Xét nghiệm này yêu cầu đưa ống nội soi qua hậu môn của người bệnh vào trực tràng và đại tràng. Bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp này để chẩn đoán viêm loét đại tràng (UC).
- Chụp X-quang hoặc CT: Các xét nghiệm này tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể và cho phép bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu của các vấn đề khác.
- Xét nghiệm máu: Nhân viên y tế có thể phân tích một mẫu máu nhỏ của người bệnh để tìm dấu hiệu viêm và loại trừ các tình trạng khác.
- Xét nghiệm phân: Xét nghiệm này yêu cầu người bệnh cung cấp một mẫu phân để phân tích. Bác sĩ sử dụng xét nghiệm phân để loại trừ các tình trạng bệnh khác.
Hiện không có phương pháp chữa trị cho IBD, vì vậy bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp điều trị để giảm nhẹ triệu chứng, ngăn ngừa đợt bùng phát và duy trì các giai đoạn thuyên giảm. Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Có nhiều loại thuốc khác nhau được sử dụng để điều trị IBD, bao gồm:
- Aminosalicylates: Các loại thuốc này giúp giảm viêm. Bác sĩ thường kê đơn các loại thuốc này cho những người có triệu chứng nhẹ.
- Thuốc điều hòa miễn dịch (Immunomodulators): Thuốc điều hòa miễn dịch hoạt động bằng cách ức chế hoạt động của hệ miễn dịch và giảm viêm. Chúng có thể điều trị IBD từ nhẹ đến trung bình.
- Thuốc sinh học (Biologics): Bác sĩ có xu hướng kê đơn các loại thuốc này khi các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả. Thuốc sinh học nhắm vào các phần cụ thể của hệ miễn dịch để giảm viêm.
Một số người có thể cần phẫu thuật để loại bỏ hoặc làm cầu nối các phần bị tổn thương của đường tiêu hóa. Tuy nhiên, phẫu thuật cho IBD đang trở nên ít phổ biến hơn.
Hội Chứng Ruột Kích Thích (Irritable bowel syndrome - IBS) là một tình trạng mãn tính ảnh hưởng đến ruột. Nó gây ra một nhóm các triệu chứng tiêu hóa thường xảy ra cùng nhau. Khác với IBD, IBS không gây ra dấu hiệu tổn thương hay viêm nhiễm nào có thể nhìn thấy trong đường tiêu hóa.
Nguyên nhân cụ thể gây ra IBS vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên các bác sĩ tin rằng các vấn đề tiêu hóa và sự nhạy cảm của ruột có thể là nguyên nhân. Căng thẳng trong cuộc sống và các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm và lo âu, cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển IBS. Ngoài ra hội chứng này cũng có thể do yếu tố di truyền trong gia đình.
IBS là một tình trạng phổ biến và ảnh hưởng đến khoảng 12% người dân ở Bắc Mỹ và 7-21% người trên toàn thế giới. Tình trạng này ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới và thường thấy ở những người dưới 50 tuổi.
Giống như IBD, các triệu chứng của IBS thường xuất hiện theo chu kỳ. Một số phụ nữ mắc IBS có thể trải qua nhiều triệu chứng hơn trong kỳ kinh nguyệt của họ. IBS thường liên quan đến các thay đổi đột ngột trong thói quen đại tiện, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc táo bón. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng và bao gồm:
- Đau bụng và co thắt.
- Đầy hơi và chướng bụng.
- Cảm giác chưa đi đại tiện hoàn toàn.
- Mùi trong phân.
Để chẩn đoán IBS, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử gia đình và bệnh lý của bệnh nhân và đánh giá tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Bác sĩ sẽ xác nhận chẩn đoán IBS nếu các triệu chứng của người bệnh đã bắt đầu từ hơn 6 tháng trước và họ xuất hiện triệu chứng ít nhất một lần mỗi tuần.
Hiện không có xét nghiệm cụ thể cho IBS. Tuy nhiên, để loại trừ các tình trạng khác, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện:
- Xét nghiệm máu và phân.
- Nội soi hoặc nội soi đại tràng.
- Xét nghiệm hơi thở hydro, kiểm tra sự không dung nạp lactose.
Thường liên quan đến việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Bác sĩ có thể khuyến nghị:
- Ăn nhiều chất xơ hơn.
- Tránh các thực phẩm chứa gluten.
- Tuân thủ chế độ ăn phù hợp với IBS.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Giảm và quản lý căng thẳng.
- Ngủ đủ giấc.
Bác sĩ cũng có thể khuyến nghị hoặc kê đơn các loại thuốc để điều trị các triệu chứng cụ thể của IBS. Các loại thuốc này có thể bao gồm:
- Thuốc chống tiêu chảy, men vi sinh.
- Thuốc nhuận tràng hoặc bổ sung chất xơ cho táo bón.
- Thuốc chống co thắt để giúp giảm đau bụng và co thắt.
- Thuốc chống trầm cảm, cũng có thể giúp điều trị đau bụng và co thắt.
IBD và IBS đều là các tình trạng mãn tính có thể gây ra triệu chứng tương tự, chẳng hạn như đau bụng và thay đổi thói quen đại tiện.
Các triệu chứng của cả IBD và IBS đều có xu hướng xuất hiện và biến mất, xen kẽ giữa các đợt bùng phát và các giai đoạn thuyên giảm. Tuy nhiên, hai tình trạng này có nguyên nhân và phương pháp điều trị khác nhau.
Hiện không có phương pháp chữa trị cho cả hai tình trạng, và điều trị chủ yếu tập trung vào việc quản lý triệu chứng. Thuốc có thể giảm viêm ruột ở những người mắc IBD, trong khi điều trị IBS chủ yếu tập trung vào thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.
|
Hội chứng ruột kích thích (IBS) |
Bệnh viêm ruột (IBD) |
Khái niệm |
Một loạt các triệu chứng liên quan đến các vấn đề về tiêu hóa và tăng độ nhạy cảm của ruột. |
Bệnh viêm ruột bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. |
Triệu chứng |
Đau bụng và chuột rút, cảm giác đại tiện không hết, đầy hơi, chướng bụng, có chất nhầy trong phân. |
Đau bụng và chuột rút, cảm giác đại tiện không hết, phân có máu, tiêu chảy và sụt cân ngoài ý muốn. |
Phương pháp chẩn đoán |
Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng của bệnh nhân và xem xét bệnh sử của họ. Các triệu chứng kéo dài hơn 6 tháng và xảy ra ít nhất một lần một tuần cho thấy IBS. |
Để xác định bệnh nào gây ra các triệu chứng, chuyên gia y tế có thể tiến hành nội soi hoặc nội soi và lấy mẫu máu và phân. |
Điều trị |
Không có phương pháp trị hoàn toàn. Kiểm soát các triệu chứng qua thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng. Sử dụng thuốc theo triệu chứng để hỗ trợ cho bệnh nhân như thuốc tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, đau bụng,… |
Không có phương pháp trị hoàn toàn. Bác sĩ sẽ đề nghị sử dụng thuốc kháng viêm bao gồm: aminosalicylates, thuốc điều hòa miễn dịch, và thuốc sinh học (biologics). Một số trường hợp cần phải can thiệp ngoại khoa. |
Dịch và tổng hợp bởi
Bộ phận Y khoa RV – OPV.
Nguồn
1. British Society of Gastroenterology guidelines on the management of irritable bowel syndrome 2021
2. McDowell C, Farooq U, Haseeb M. Inflammatory Bowel Disease. [Updated 2023 Aug 4]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470312/
3. Medicalnewstoday IBD vs. IBS: Symptoms, diagnosis, and treatment (medicalnewstoday.com)
Bài viết liên quan