Té ngã và gãy xương ở người lớn tuổi: nguyên nhân và cách phòng ngừa
Từ 65 tuổi trở lên, trung bình cứ 40 người lại có 1 người bị té ngã mỗi năm. Nguy cơ té ngã và những vấn đề liên quan đến té ngã tăng dần theo tuổi tác. Tuy nhiên, nhiều cú ngã có thể được ngăn chặn. Việc tập thể dục, quản lý thuốc, kiểm tra thị lực, và cải thiện an toàn cho ngôi nhà là những bước bạn có thể thực hiện để phòng ngừa té ngã.
Nguyên nhân gây té ngã ở người lớn tuổi
Có nhiều yếu tố dẫn đến nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi:
- Thị lực, thính giác và phản xạ có thể không còn nhanh nhạy như trước.
- Một số bệnh lý như tiểu đường, bệnh tim, hoặc các vấn đề về tuyến giáp, thần kinh, bàn chân, và mạch máu cũng ảnh hưởng đến thăng bằng, dẫn đến nguy cơ té ngã.
- Các tình trạng như tiểu không kiểm soát khiến việc vội vàng vào phòng tắm trở thành một yếu tố nguy cơ.
- Người bị suy giảm nhận thức hoặc mắc một số loại sa sút trí tuệ cũng có nguy cơ cao hơn.
- Mất khối lượng cơ do lão hóa (sarcopenia), cùng các vấn đề về thăng bằng, tư thế, hoặc huyết áp thấp khi đứng lên đột ngột (hạ huyết áp tư thế) cũng góp phần vào nguy cơ này.
- Giày dép không an toàn như dép không quai hậu, giày cao gót cũng làm tăng nguy cơ.
- Một số loại thuốc gây chóng mặt hoặc lú lẫn cũng có thể làm tăng khả năng té ngã.
- Những nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường sống cũng là một yếu tố quan trọng.
Các bước ngăn ngừa té ngã
Chăm sóc sức khỏe tổng thể có thể giúp giảm nguy cơ té ngã. Dưới đây là một số lời khuyên:
- Duy trì hoạt động thể chất: Lập kế hoạch tập luyện phù hợp để giúp cải thiện cơ bắp và tăng cường sức mạnh. Các hoạt động như đi bộ hoặc leo cầu thang cũng giúp làm chậm quá trình loãng xương.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: Bổ sung canxi, một thành phần chính của xương. Giúp xương chắc khỏe, giảm nguy cơ gãy xương do cú ngã nhẹ.
- Tập các bài tập rèn luyện thăng bằng: Yoga, Pilates, thái cực quyền, hoặc sử dụng tạ và dây kháng lực đều hữu ích.
- Cải thiện an toàn trong nhà: Thực hiện các thay đổi để loại bỏ những nguy cơ gây té ngã.
- Kiểm tra mắt và tai thường xuyên: Những thay đổi nhỏ về thị lực và thính giác có thể làm tăng nguy cơ té ngã.
- Hiểu rõ tác dụng phụ của thuốc: Nếu thuốc gây buồn ngủ hoặc chóng mặt, hãy trao đổi với bác sĩ.
- Ngủ đủ giấc: Mệt mỏi cũng là một nguyên nhân khiến dễ ngã.
- Hạn chế rượu: Rượu có thể ảnh hưởng đến thăng bằng và làm tăng nguy cơ té ngã.
- Đứng lên từ từ: Thức dậy quá nhanh có thể khiến bạn cảm thấy chao đảo.
- Sử dụng thiết bị hỗ trợ: Nếu cần, hãy sử dụng gậy hoặc khung tập đi đúng cách.
Nếu bạn bị ngã
Nếu không may bị ngã, hãy giữ bình tĩnh, hít thở sâu và đánh giá tình trạng của bản thân. Nếu có thể, bò đến một chiếc ghế chắc chắn và từ từ đứng dậy. Nếu cảm thấy đau hoặc không thể tự đứng lên, hãy nhờ ai đó giúp đỡ hoặc gọi cấp cứu.
Giữ cho xương chắc khỏe để giảm nguy cơ gãy
Có xương chắc khỏe giúp giảm nguy cơ chấn thương nghiêm trọng khi ngã. Đảm bảo bổ sung đủ canxi và vitamin D, bỏ hút thuốc và hạn chế rượu. Hãy duy trì hoạt động thể chất và giữ cân nặng hợp lý để bảo vệ xương khỏi loãng xương và gãy xương.
Bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa và duy trì lối sống lành mạnh, bạn có thể giảm nguy cơ té ngã và bảo vệ sức khỏe xương khớp lâu dài.
Dịch
Bộ phận Y khoa - RV OPV
Nguồn
Falls and Fractures in Older Adults: Causes and Prevention - NIH