Thực phẩm siêu chế biến (ultra processed food), thường được gọi tắt là "thực phẩm chế biến", không những chứa các thành phần gây bất lợi cho sức khỏe mà còn khiến chúng ta có xu hướng ăn nhiều hơn, dễ bị béo phì. Thực phẩm siêu chế biến là các sản phẩm được chế biến công nghiệp, phổ biến trong nhiều chế độ ăn, dù đã được liên kết với nhiều vấn đề sức khỏe.
- Loại thực phẩm này thường chứa 5 hoặc nhiều hơn các thành phần, giàu đường và chất béo.
- Chúng thường có các phụ gia như chất tăng hương vị, phẩm màu, chất tạo ngọt, chất ổn định, chất bảo quản, tinh bột biến tính và chất béo hydro hóa.
Thực tế thì thực phẩm chế biến sẵn thường thuận tiện hơn, vị đậm đà hơn, tiết kiệm hơn. Do đó, bạn có xu hướng ăn nhiều hơn và tăng cân nhanh hơn. Nếu chế độ ăn của bạn có tỷ lệ thực phẩm “siêu chế biến” cao thì hẳn là bạn ăn lượng thức ăn nhiều hơn so với khi theo chế độ ăn không có hoặc có ít thực phẩm chế biến.
Một vài loại thực phẩm “siêu chế biến” là khoai tây chiên, xúc xích, mì ăn liền, nước ngọt…
Một nghiên cứu mới phát hiện rằng những người tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến có lượng mỡ trong cơ đùi tăng cao, làm tăng nguy cơ viêm khớp gối. Kết quả này không bị ảnh hưởng bởi lượng calo tiêu thụ hoặc mức độ hoạt động thể chất của những người tham gia.
Kết quả nghiên cứu, được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hội X-quang Bắc Mỹ (RSNA) tháng 12/2024 tại Chicago, chưa được công bố trên tạp chí khoa học có bình duyệt.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng sự thay thế cơ bằng mỡ trong đùi liên quan đến giảm chức năng khớp gối. Đây là nghiên cứu đầu tiên liên kết hiện tượng này với việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến.
Nghiên cứu đã phân tích hình ảnh MRI từ 666 người tham gia sáng kiến Nghiên cứu Viêm Xương Khớp.
- Độ tuổi trung bình: 60.
- Giới tính: 455 nam, 211 nữ.
- Chỉ số BMI trung bình: 27.
- Không ai trong số họ bị viêm xương khớp.
TS. Zehra Akkaya, bác sĩ X-quang tại Đại học Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, giải thích: “Trên ảnh MRI, sự suy giảm này được thấy rõ dưới dạng thoái hóa mỡ cơ, khi các vệt mỡ thay thế các sợi cơ.”
Theo TS. Gowri Reddy Rocco, người sáng lập Optimum Wellness and Longevity:
- Thực phẩm siêu chế biến làm tăng kháng insulin và mô mỡ, đặc biệt là mỡ nội tạng, loại mỡ nguy hiểm liên quan đến viêm nhiễm và tiểu đường.
- Chúng cũng kích thích giải phóng các chất gây viêm như glucose, insulin, cytokine và các phân tử gây hại như gốc tự do, làm tăng cảm giác đau.
Viêm xương khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất, gây viêm mạn tính ở một hoặc nhiều khớp, dẫn đến thoái hóa sụn.
Khi cơ bắp bị yếu đi, khả năng bảo vệ khớp cũng giảm, dẫn đến viêm xương khớp phát triển.
May mắn thay, việc điều chỉnh chế độ ăn có thể giúp tái tạo cơ bắp, làm chậm hoặc ngừng tổn thương khớp, mặc dù không thể phục hồi tổn thương đã xảy ra.
- Chế độ ăn kém chất lượng, lối sống ít vận động, và béo phì là các yếu tố nguy cơ chính.
- Giảm cân để giảm áp lực lên khớp.
- Tránh lặp đi lặp lại các chuyển động làm mòn khớp, đi giày không phù hợp hoặc tư thế sai.
Việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống khoa học là chìa khóa để phòng ngừa viêm xương khớp và duy trì sức khỏe khớp lâu dài.
Nguồn
Dịch bởi Bộ phận Y Khoa - RV OPV
Bài viết liên quan