Những người có bệnh lý nền cần hết sức lưu ý, khi có biểu hiện sốt, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi.
Hiện nay, tại nhiều quốc gia đang có dịch cúm mùa, trong đó nhiều bệnh nhân mắc cúm mùa. Tại Nhật Bản, theo số liệu công bố đã có 9,5 triệu người mắc cúm A, có những bệnh nhân trở nặng thậm chí tử vong.
Tại Việt Nam, số người mắc cúm cũng tăng, trong đó có những bệnh nhân phải chạy phổi nhân tạo. Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thông tin, đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm. Một trong số đó đang phải đặt ECMO. Những bệnh nhân nặng là những người mắc bệnh nền hoặc có tiền sử hút thuốc lá.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cúm mùa là bệnh do những chủng vi rút cúm vẫn đang lưu hành trong cộng đồng (phổ biến gần đây thường là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, thường bùng phát thành các đợt dịch nhỏ lẻ thỉnh thoảng có những đợt bùng phát trên quy mô lớn.
“2-3 năm vừa rồi có lẽ do COVID-19 nên mọi người giãn cách, chịu khó đeo khẩu trang hơn nên số lượng người nhiễm cúm và nhiễm cúm nặng có vẻ ít hơn, đợt này COVID-19 vừa dịu chút mọi người lại quay lại cuộc sống như trước, lại chủ quan như thường nên cúm lại xuất hiện và có đợt bùng phát cũng vẫn là chuyện thường”, bác sĩ Đồng Phú Khiêm đánh giá.
Theo bác sĩ Khiêm, cúm mùa có thể nói có độc lực thấp nên thường chỉ gây bệnh cảnh cúm nặng ở những người có yếu tố nguy cơ cao (người già > 65 tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, người có bệnh lý nền hô hấp, tim mạch, suy giảm miễn dịch...). Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng về cúm mùa, nhưng cũng không chủ quan đặc biệt với nhóm người có nguy cơ nhiễm cúm nặng.
Biểu hiện cúm rất khó phân biệt với các biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các căn nguyên khác, nhưng việc chẩn đoán được sớm, dùng thuốc kháng vi rút phù hợp có thể ngăn ngừa nguy cơ nhiễm nặng và thậm chí tử vong cho nhiều người.
Những người có bệnh lý nền cần hết sức lưu ý, khi có biểu hiện sốt, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi nên được đi khám sàng lọc cúm và đánh giá và cân nhắc cho dùng thuốc kháng vi rút cúm sớm để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm cúm nặng. Mọi người đừng để lúc bệnh nặng rồi mới đi viện khám, điều trị tốn kém và khó khăn.
Đặc biệt, BS Khiêm lưu ý người dân không nên làm 2 điều sau:
- Không tự ý mua kháng sinh dùng: Vì kháng sinh ko có tác dụng với cúm mà có nhiều tác hại trong trường hợp này.
- Không tự ý mua thuốc kháng vi rút uống, điều này có thể gây tốn kém không cần thiết, có thể làm khan hiếm thuốc gây khó khăn cho người có chỉ định cần, hoặc gây gia tăng đề kháng thuốc. Thuốc kháng vi rút chỉ có lợi những người có nguy cơ nhiễm cúm nặng, những người có biểu hiện nhiễm cúm nặng.
Người dân nên tiêm phòng ngừa cúm hằng năm đặc biệt là người có tuổi, có bệnh nền tim mạch, hô hấp, tiểu đường, xơ gan, suy giảm miễn dịch. Bởi vì, chủng cúm thay đổi nên phải tiêm hằng năm. "Tiêm vắc xin cúm không phải tiêm một lần được mãi mãi. Những người khỏe mạnh ai cũng cần phải tiêm, càng người có nguy cơ càng phải tiêm" – ông Trần Đắc Phu thông tin.
Trước lo ngại, người dân đi tiêm đổ xô khiến giá vắc xin tăng, ông Trần Đắc Phu cho rằng, tiêm cúm phải tiêm trước mùa dịch. Không phải cứ dịch đi tiêm. Bởi vì, sau khi tiêm nửa tháng đến 1 tháng mới có miễn dịch, chứ không phải tiêm có miễn dịch ngay.
"Tôi nghĩ vắc xin cúm sẽ không tăng giá. Bởi vắc xin cúm không quá khan hiếm" – ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời và cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong thời điểm hiện tại với thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan. Đồng thời cung cấp các khuyến cáo, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Nguồn
Tổng hợp thông tin Bộ phận Y khoa - OPV
Báo Mới
Báo Tiền Phong
Báo 24h
Bài viết liên quan