Phát hiện mới về trạng thái 'trống rỗng tâm trí

Trạng thái 'trống rỗng tâm trí' thường xuất hiện sau những hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao độ như ôn thi, bị thiếu ngủ hoặc sau khi vận động cường độ cao.

Não bộ có thể đang "ngủ ngắn" trong lúc tỉnh

Tâm trí trống rỗng (mind blanking) là một hiện tượng có thật, không chỉ đơn thuần là "lơ đãng". Các nhà thần kinh học đã xác định đây là một trạng thái tâm thần riêng biệt, trong đó hoạt động não bộ giảm sút rõ rệt và con người trải nghiệm sự vắng mặt của suy nghĩ hoặc ý thức.

 
Trong các giai đoạn mind blanking, một số vùng não dường như bước vào trạng thái giống như ngủ, mặc dù con người vẫn thức. Điều này cho thấy não bộ đôi khi có thể "tạm nghỉ" từng phần mà chúng ta không nhận ra.

 

Ý nghĩa lâm sàng và nhận thức

Tâm trí trống rỗng - Mind blanking xuất hiện với tần suất cao hơn ở những người mắc ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) và cũng được đề cập trong chẩn đoán rối loạn lo âu, gợi mở vai trò tiềm năng của nó trong việc hiểu biết sâu hơn về ý thức và sự chú ý.

 

Một nghiên cứu khoa học mới đã phát hiện ra hiện tượng "trống rỗng tâm trí" - trạng thái tinh thần đặc biệt khi con người hoàn toàn không có bất kỳ suy nghĩ hay nhận thức nào, khác biệt với tình trạng mất tập trung hay suy nghĩ vẩn vơ thông thường.

 

Theo các nhà nghiên cứu, hiện tượng này thường xuất hiện sau những hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao độ như ôn thi, trong tình trạng thiếu ngủ hoặc sau khi vận động cường độ cao. Đáng chú ý, trạng thái này có xu hướng xảy ra khi não bộ ở mức kích thích quá cao hoặc quá thấp.

 

Các thí nghiệm trên người tình nguyện khỏe mạnh cho thấy khi rơi vào trạng thái này, não bộ xuất hiện dấu hiệu "vô hiệu hóa" với sự gia tăng của sóng não chậm tương tự như khi ngủ. Nhịp tim và kích thước đồng tử của người thử nghiệm đều giảm, một phần não bộ dường như rơi vào trạng thái ngủ cục bộ.

So sánh với thiền và giấc mơ trắng

Không giống như trạng thái tâm trí trống rỗng chủ động được nuôi dưỡng trong thiền định (liên quan đến sự chú ý cao độ), mind blanking tự phát thường liên quan đến sự giảm sút mức độ nhận thức. Ngoài ra, khác với "giấc mơ trắng" (white dreams — biết mình đã mơ nhưng không nhớ nội dung), mind blanking xảy ra trong trạng thái thức chứ không phải trong giấc ngủ.

 Ảnh hưởng như thế nao đến cơ thể

Đặc biệt nguy hiểm, người trong trạng thái này hoàn toàn không nhận thức được bất kỳ kích thích nào từ môi trường xung quanh. Điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu xảy ra trong những tình huống cần tỉnh táo như lái xe, vận hành thiết bị máy móc.

 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng "trống rỗng tâm trí" là một trong những triệu chứng cốt lõi của chứng rối loạn lo âu tổng quát, đồng thời có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ, co giật, chấn thương sọ não và hội chứng Kleine-Levin - một chứng rối loạn giấc ngủ hiếm gặp thường ảnh hưởng đến nam thiếu niên.

 

Tiến sĩ Thomas Andrillon từ Viện Não Paris, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho rằng nếu có thể hiểu rõ hơn về cơ chế của hiện tượng này và kiểm soát được nó, đây có thể trở thành một phương pháp hữu ích để đối phó với lo âu và các cảm xúc tiêu cực.

  

Nguồn

Mind Blanking Explained: What Really Happens?