Nitric oxide là chất điều hòa sinh học, được sản xuất bởi nội mô - lớp niêm mạc của mạch máu. Nitric oxide được cơ thể tạo ra và thấm vào các mô làm cho các động mạch thư giãn và mở rộng để giảm huyết áp. Ngoài chức năng làm giãn mạch, nitric oxide còn là một chất đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Nó hoạt động như một chất oxy hóa gốc tự do để tiêu diệt virus và vi khuẩn, đồng thời gây viêm.
Để sản xuất nitric oxide, cơ thể sử dụng hai axit amin là arginine (được tìm thấy trong rau tươi, tỏi, trà xanh, thịt, ngũ cốc và cá và đi qua ruột vào máu) và citrulline.
Nếu cơ thể không tạo đủ nitric oxide, bạn có thể bị mệt mỏi, giảm hoạt động tình dục, đau cơ xơ hóa, bệnh tim mạch, huyết áp cao và thậm chí là mất trí nhớ. Sau tuổi 40, quá trình sản xuất nitric oxide của cơ thể suy giảm.
Khi có các yếu tố nguy cơ như mắc bệnh tim như hút thuốc lá, ăn uống thiếu chất, lười vận động và thậm chí là căng thẳng tâm lý, nồng độ nitric oxide giảm mạnh và các mạch máu bắt đầu tích tụ mảng bám, tạo tiền đề cho chứng xơ vữa động mạch.
Bệnh tim mạch có liên quan đến một số rối loạn khác nhau bao gồm tăng cholesterol máu, tăng huyết áp và đái tháo đường. Bệnh lý cơ bản của hầu hết các bệnh tim mạch là xơ vữa động mạch, có liên quan đến rối loạn chức năng nội mô. Các vai trò bảo vệ tim mạch của nitric oxide bao gồm điều hòa huyết áp và trương lực mạch máu, ức chế kết tập tiểu cầu và kết dính bạch cầu, ngăn ngừa tăng sinh tế bào cơ trơn.
Giảm sinh khả dụng của nitric oxide được cho là một trong những yếu tố trung tâm thường gặp đối với bệnh tim mạch, mặc dù vẫn chưa rõ đây là nguyên nhân hay hậu quả của rối loạn chức năng nội mô. Sự xáo trộn về sinh khả dụng nitric oxide dẫn đến mất tác dụng bảo vệ tim mạch và trong một số trường hợp thậm chí có thể làm tăng sự tiến triển của bệnh.
Bài viết liên quan